Hội thảo phổ biến Quy chuẩn quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình: Tiêu chuẩn quy chuẩn để phục vụ thiết kế

(Xây dựng) – Chiều 28/6 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), cùng Viện Khoa học Công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) phối hợp với Phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an Thành phố Hồ Chí Minh) và Sở Xây dựng Thành phố, tổ chức Hội thảo phổ biến Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, quy chuẩn 06, sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD.

 PGS.TS Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) phát biểu tại Hội thảo.

Phân cấp cho địa phương được ban hành các quy định đặc thù địa phương

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 24/6/2024 về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo đơn vị chức năng chủ trì, phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Công an tổ chức tập huấn cho các địa phương, doanh nghiệp và các đối tượng có liên quan áp dụng đúng QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD và Tiêu chuẩn Nhà ở riêng lẻ – Yêu cầu chung về thiết kế sau khi được công bố.

Cũng theo PGS.TS Vũ Ngọc Anh, sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD đã làm rõ hơn và đưa ra nhiều giải pháp hơn trên tinh thần không giảm nhẹ an toàn PCCC. Dùng các luận chứng kỹ thuật để thẩm định như trong điều 1.1.10 quy định: “trong một số trường hợp đặc biệt, có thể xem xét bổ sung , thay thế một số yêu cầu của quy chuẩn này đối với công trình cụ thể bằng các yêu cầu an toàn cháy phù hợp khác theo tài liệu chuẩn hoặc có luận chứng kỹ thuật phù hợp”.

Đông đảo các đại biểu tham gia Hội thảo phổ biến Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, quy chuẩn 06, sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD chiều 28/6 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

“Tiêu chuẩn, quy chuẩn để phục vụ thiết kế chứ không phải phục vụ nghiệm thu. Nghiệm thu công trình theo thiết kế chứ không phải theo quy chuẩn”, PGS.TS Vũ Ngọc Anh nhấn mạnh.

Nội dung Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD đã bổ sung một số vấn đề kỹ thuật đảm bảo an toàn cháy, có tính đến đặc thù của các công trình và tính nguy hiểm cháy của công năng sử dụng, bổ sung nhiều giải pháp phù hợp để các chủ đầu tư, đơn vị lựa chọn.

Các nhà ở riêng lẻ, nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chiều cao dưới 7 tầng (thuộc chiều cao dưới 25m), có ít hơn một tầng hầm có khối tích nhỏ hơn 5.000m3 được biên soạn nội dung riêng về PCCC, nằm trong Tiêu chuẩn nhà ở riêng lẻ – yêu cầu chung về thiết kế.

Cũng trong sửa đổi 1:2023 đã giảm bớt thủ tục hành chính, phân cấp mạnh hơn và rõ hơn cho các địa phương được ban hành các quy chuẩn kỹ thuật địa phương để thay thế, sửa đổi hoặc bỗ sung một số quy định cho phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương, trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và pháp luật về PCCC, như: Các quy định về cấp nước chữa cháy, quy định về đường giao thông cho xe chữa cháy…

“Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD cũng bổ sung các quy định về pháp lý và kỹ thuật, các tài liệu viện dẫn, tiêu chí đánh giá đề nghị thiết kế có thể thiết kế an toàn cháy gắn với điều kiện cụ thể như công trình (thiết kế riêng), mà không bị ràng buộc bởi các thông số của quy chuẩn.

Các nội dung kỹ thuật về thoát nạn, ngăn cháy lan, chữa cháy, kết cấu, bảo vệ chống khói, khoang cháy và số tầng cao”, PGS.TS Vũ Ngọc Anh nhận định.

Các chuyên gia trao đổi với đại biểu về các quy định kỹ thuật trong quy chuẩn an toàn cháy cho nhà và công trình.

Thiết kế phải bám sát quy chuẩn

Phổ biến nội dung Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD, TS. Nguyễn Hồng Hải, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, mục tiêu tổng quát của Quy chuẩn 06 là: Thoát nạn, ngăn cháy lan (khói lan), chữa cháy và cứu nạn, hạn chế thiệt hại tài sản.

Theo TS. Nguyễn Hồng Hải, hệ thống phân loại kỹ thuật về cháy là nền tảng để quy định các yêu cầu an toàn cháy khác nhau với các đối tượng khác nhau. Hiểu đúng ý nghĩa của các yêu cầu an toàn cháy và nguyên lý thiết kế là cơ sở quan trọng để thiết kế đúng, đảm bảo an toàn trong khuôn khổ quy định với chi phí hợp lý.

Đại tá Huỳnh Ngọc Quang, Phó Phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Nội dung sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD đã tháo gỡ được nhiều, hoạt động đã có tính ổn định, chỉ còn đơn vị tư vấn.

Đại tá Huỳnh Ngọc Quang lưu ý các đơn vị tư vấn thiết kế phải bám sát quy chuẩn để thực hiện cho đúng, để khi nhà đầu tư giao cho tư vấn làm và nộp hồ sơ dễ dàng được chấp nhận.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu là doanh nghiệp cũng quan tâm trao đổi về các quy chuẩn tiêu chuẩn trong thiết kế PCCC, vật liệu PCCC nhằm nâng cao ý thức về PCCC và sự hiểu biết quy định pháp luật, quy định kỹ thuật về PCCC.

Theo Cao Cường – báo Xây Dựng

Related posts

viVI