Ngày 28/02/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định 261/QĐ-BKHCN công bố TCVN 3890:2023 Phòng cháy chữa cháy – Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình – Trang bị, bố trí. Tiêu chuẩn có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế TCVN 3890:2009. Ở bài viết này sẽ hướng dẫn, giải đáp một số nội dung, đồng thời lưu ý về một số quy định giảm bớt (về trang bị phương tiện, hệ thống PCCC) của TCVN 3890:2023 so với TCVN 3890:2009 để tổ chức, cá nhân biết, vận dụng linh hoạt trong quá trình đầu tư, khai thác, vận hành sử dụng nhà, công trình.
Diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại chung cư cao tầng
- Hướng dẫn, giải đáp một số nội dung
- Xử lý chuyển tiếp
– Nhà, công trình hiện hữu, khi cải tạo làm tăng quy mô (tăng số tầng, chiều cao PCCC, diện tích, khối tích), chuyển đổi công năng sử dụng nhà, công trình thì phải xem xét trang bị, bố trí phương tiện PCCC theo quy định của TCVN 3890:2023 trong phạm vi điều chỉnh, cải tạo đó.
– Đối với trường hợp nhà, công trình đã được trang bị theo TCVN 3890 phiên bản trước, nay điều chỉnh hoặc cải tạo mà điều chỉnh, cải tạo không làm thay đổi quy mô, công năng chính của nhà thì có thể lựa chọn áp dụng phiên bản TCVN 3890 tại thời điểm thẩm duyệt hoặc đưa vào sử dụng mà không phải áp dụng theo TCVN 3890:2023, ngoại trừ các trường hợp chuyển tiếp đã được quy định cụ thể trong tiêu chuẩn.
- Việc áp dụng quy định về trang bị phương tiện, hệ thống PCCC đối với một số loại hình công trình không được nêu tên cụ thể trong TCVN 3890:2023: Phòng khám đa khoa, chuyên khoa, nhà hộ sinh, nhà chuyên dùng cho người cao tuổi, khối nhà ngủ của trường nội trú và của cơ sở cho trẻ em, câu lạc bộ, phòng hát, công trình thể thao, trung tâm hội nghị,…
Việc trang bị phương tiện, hệ thống phòng cháy, chữa cháy cho nhà và công trình căn cứ trên cơ sở phân tích công năng sử dụng, tính chất nguy hiểm cháy và các yếu tố khác liên quan đến việc bảo vệ con người và tài sản. Đối với nhà và công trình không được quy định tại các Phụ lục A, B, C, D, E, F, G thì phải trang bị phương tiện, hệ thống phòng cháy, chữa cháy như với nhà và công trình có công năng tương tự theo quy định tại Điều 4.8 TCVN 3890:2023. Đối với các loại hình công trình trên có thể áp dụng như sau:
– Phòng khám đa khoa, chuyên khoa, nhà hộ sinh được quy định tại mục 15 bảng A.1 (áp dụng quy định như đối với phòng khám, nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình);
– Nhà chuyên dùng cho người cao tuổi áp dụng theo quy định tại mục 6 Bảng A.1 (áp dụng quy định như đối với nhà dưỡng lão, nhà chăm sóc người khuyết tật);
– Khối nhà ngủ của trường nội trú và của cơ sở cho trẻ em áp dụng theo quy định tại mục 7 Bảng A.1 (áp dụng quy định như đối với nhà trẻ, mẫu giáo, mầm non);
– Câu lạc bộ, phòng hát áp dụng quy định tại mục 20 Bảng A.1 (áp dụng quy định như đối với nhà kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar, hộp đêm);
– Công trình thể thao có khán đài áp dụng quy định tại mục 14 Bảng A.1 (áp dụng quy định như đối với nhà thi đấu thể thao, cung thể thao);
– Trung tâm hội nghị áp dụng quy định tại mục 11 Bảng A.1 (áp dụng quy định như đối với nhà thi đấu thể thao, cung thể thao).
- Một số quy định giảm bớt tại TCVN 3890:2023 so với TCVN 3890:2009
- Hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà
– Theo quy định tại Phụ lục C của TCVN 3890:2023, yêu cầu về trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà đã được quy định cho: Đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các khu chức năng khác theo quy định của pháp luật hiện hành thuộc thẩm quyền phê duyệt của cấp huyện trở lên;
– Khi nhà, công trình nằm trong bán kính phục vụ không lớn hơn 200 m từ trụ cấp nước chữa cháy hoặc bãi đỗ, bến lấy nước của ao, hồ, sông, bể nước công cộng thì cho phép không phải trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà. Trường hợp nhà, công trình nằm ngoài bán kính phục vụ từ trụ cấp nước chữa cháy hoặc trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà không bảo đảm thì áp dụng theo Điều 6.1 của QCVN 06:2022/BXD “Tại những địa phương chưa có đủ điều kiện hạ tầng giao thông công cộng và cấp nước chung theo quy định của quy chuẩn này thì các giải pháp chữa cháy và cứu nạn được thực hiện theo các hướng dẫn riêng của cơ quan quản lý nhà nước về PCCC ở những địa phương đó”.
– Tính toán lưu lượng hệ thống cấp nước ngoài nhà cho một số loại hình công trình đặc thù: Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, kho khí đốt áp dụng theo các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành như QCVN 01:2019/BCT (về vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ), TCVN 5307:2009 (về kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ) để yêu cầu lưu lượng và khối tích nước chữa cháy. Đối với cửa hàng xăng dầu, cửa hàng kinh doanh khí đốt áp dụng Bảng 8 QCVN 06:2022/BXD để xác định lưu lượng cho đối tượng nhà bán hàng của các cơ sở này (5 l/s khi ở vùng nông thôn, 10 l/s khi ở thành thị).
Hệ thống chữa cháy tự động cho công trình
- Hệ thống báo cháy tự động và hệ thống chữa cháy tự động
– Gian phòng trong nhà sản xuất, nhà kho hạng sản xuất D, E (phân xưởng thuộc công nghiệp dệt và giấy có quá trình sản xuất ướt, phân xưởng chế biến thực phẩm, cá, thịt, sữa…) không yêu cầu phải trang bị hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy tự động;
– Gian phòng trong các nhà máy sản xuất, nhà kho, gara ô tô bố trí độc lập… đã trang bị hệ thống chữa cháy tự động có kết nối liên động với trung tâm báo cháy thì cho phép không trang bị đầu báo cháy tự động;
– Cho phép trong căn hộ của nhà chung cư (nhóm F1.3) có chiều cao không quá 75 m chỉ bố trí đầu phun sprinkler của hệ thống chữa cháy tự động bằng nước tại cửa vào căn hộ (quy định trước đây yêu cầu trang bị đầu phun sprinkler trong từng gian phòng của căn hộ);
– TCVN 3890:2023 bổ sung và làm rõ hơn các khu vực không yêu cầu phải trang bị hệ thống chữa cháy tự động và hệ thống báo cháy tự động: Các phòng sản xuất với quy trình ướt, hồ bơi, phòng tắm, phòng rửa, phòng vệ sinh; Gian phòng hạng nguy hiểm cháy D; Hành lang bên; Thang bộ; Khoang đệm ngăn cháy có tăng áp; Khu vực không có nguy hiểm về cháy.
Các khu vực không có nguy hiểm về cháy, không yêu cầu phải trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động: Vườn cây xanh, buồng thang bộ, nhà tắm,…
– Đối với hạng mục cáp của nhà máy điện, trạm biến áp, chỉ yêu cầu trang bị hệ thống báo cháy tự động và/hoặc hệ thống chữa cháy tự động phần cáp (hầm, đường hầm, giếng, sàn nâng, máng kín, khoang dùng để đặt cáp) đặt ở trong nhà, công trình.
– Đối với khoảng không gian phía trên trần giả hoặc dưới sàn nâng trong các gian phòng, nhà thuộc diện trang bị hệ thống chữa cháy tự động và/hoặc hệ thống báo cháy tự động, không yêu cầu trang bị hệ thống chữa cháy tự động hoặc hệ thống báo cháy tự động khi cáp tại khu vực này được luồn trong ống hoặc được bọc bằng vật liệu không cháy hoặc có tính cháy Ch1 (cháy yếu) hoặc khi chỉ bố trí cáp đơn (dây dẫn) để cấp nguồn cho các hệ thống chiếu sáng và hệ thống cáp thông tin. Trong trường hợp phải trang bị, chỉ yêu cầu bố trí đầu phun chữa cháy, đầu báo cháy tại các vị trí các đường ống kỹ thuật và/hoặc đường máng cáp tại không gian phía trên trần treo và tại các khu vực: Hành lang thoát nạn, hội trường, tiền sảnh; Gian phòng có từ 50 người trở lên; Gian phòng cấp nguy hiểm cháy theo công năng nhóm F1.1 (nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non; bệnh viện,…) và F4.1 (các trường tiểu học, trung học cơ sở, , trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề,…) và kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar, hộp đêm.
– Diện tích yêu cầu trang bị chữa cháy tự động cho các gian phòng sản xuất có hạng nguy hiểm cháy C (phân xưởng xẻ gỗ, phân xưởng làm đồ mỹ thuật bằng gỗ; phân xưởng dệt và may mặc; phân xưởng công nghiệp giấy với quá trình sản xuất khô,…) tăng từ 300 m2 lên 1.000 m2.
- Số lượng bình chữa cháy xách tay theo quy định của TCVN 3890:2023 cũng thấp hơn so với yêu cầu trước đây. Trong đó, việc tính toán bình chữa cháy xách tay dự trữ tối thiểu 10% tổng số bình theo tính toán để trang bị thay thế khi cần thiết, tuy nhiên, cho phép không quá 100 bình mỗi loại.
- Trang bị, bố trí phương tiện, dụng cụ phá dỡ thô sơ: Tại TCVN 3890:2023 đã giảm bớt số lượng và chủng loại phương tiện, dụng cụ phá dỡ thô sơ yêu cầu phải trang bị. Quy định hiện nay bao gồm: Rìu cứu nạn (trọng lượng 2 kg, cán dài 90 cm, chất liệu thép cacbon cường độ cao); xà beng (một đầu nhọn, một đầu dẹt, dài 100 cm); búa tạ (thép cacbon cường độ cao, nặng 5 kg, cán dài 50 cm); kìm cộng lực (dài 60 cm, tải cắt 60 kg).
- Trong một số trường hợp riêng biệt, có thể xem xét thay thế một số yêu cầu của tiêu chuẩn này TCVN 3890:2023 đối với công trình cụ thể khi có luận chứng kỹ thuật (phải được cơ quan quản lý chuyên ngành cấp Bộ về phòng cháy và chữa cháy chấp thuận) nêu rõ các giải pháp bổ sung, thay thế và cơ sở của những giải pháp này để bảo đảm an toàn cháy cho công trình.
Do đó, chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở có thể căn cứ một số quy định giảm bớt nêu trên để áp dụng linh hoạt khi trang bị phương tiện, hệ thống PCCC cho nhà, công trình của mình nhằm giảm thiểu chi phí đầu tư trong quá trình đầu tư, khai thác, vận hành sử dụng.
Theo Cảnh sát PCCC