TCVN 7568-14:2025 chính thức thay thế TCVN 7568-14:2015 và TCVN 5738:2021 – Kỹ sư thiết kế hệ thống báo cháy cần lưu ý ( Phần 2)

admin_9btrasy8

July 17, 2025

0 comments

Trong bài viết trước, S-TEC VINA  đã điểm qua phạm vi áp dụng và các thuật ngữ, định nghĩa cần trong tiêu chuẩn. Trong phần 2 này, bài viết sẽ đi sâu vào các nội dung thiết kế thực tế kỹ sư cần đặc biệt lưu ý.

Tư liệu Trích điều 4 và 5 trong TCVN 7568-14:2025 HỆ THỐNG BÁO CHÁY – PHẦN 14: THIẾT KẾ, LẮP ĐẶT CÁC HỆ THỐNG BÁO CHÁY CHO NHÀ VÀ CÔNG TRÌNH

4. Quy định chung

4.1. Yêu cầu về thiết kế, lựa chọn hệ thống báo cháy

4.1.1 Việc thiết kế, lắp đặt hệ thống báo cháy phải tuân thủ các yêu cầu, quy định của các tiêu chuẩn hiện hành có liên quan.

4.1.2 Hệ thống báo cháy phải đáp ứng những yêu cầu sau:

  • Phát hiện cháy nhanh chóng theo chức năng đã được đề ra;
  • Chuyển tín hiệu khi phát hiện cháy thành tín hiệu báo động rõ ràng để những người xung quanh có thể thực hiện ngay các biện pháp thích hợp;
  • Có khả năng chống nhiễu tốt;
  • Hệ thống báo hiệu nhanh chóng và rõ ràng mọi trường hợp;
  • Không bị ảnh hưởng bởi các hệ thống khác lắp đặt chung hoặc riêng rẽ;
  • Không bị tê liệt một phần hay toàn bộ do cháy gây ra trước khi phát hiện ra cháy.

4.1.3 Hệ thống báo cháy phải bảo đảm độ tin cậy và thực hiện đầy đủ các chức năng đã được thiết kế.

4.1.4 Những tác động bên ngoài gây ra sự cố cho một bộ phận của hệ thống không được gây ra những sự cố tiếp theo trong hệ thống.

4.1.5 Khi lựa chọn loại đầu báo cháy cần lưu ý các vấn đề sau:

4.1.5.1 Chọn loại đầu báo cháy khói có độ nhạy phù hợp đối với các loại khói khác nhau.

4.1.5.2 Sử dụng đầu báo lửa tại những nơi:

  • Khi xảy ra cháy ở giai đoạn ban đầu của đám cháy có xuất hiện ngọn lửa hoặc bề mặt quá nhiệt (thường là trên 600 °C);
  • Khi xuất hiện ngọn lửa ở các phòng có chiều cao vượt quá giới hạn cho việc sử dụng đầu báo khói hoặc nhiệt;
  • Khi tốc độ phát triển đám cháy nhanh, thời điểm phát hiện cháy bởi các loại đầu báo cháy khác không bảo đảm yêu cầu bảo vệ người và tài sản.

4.1.5.3 Độ nhạy của đầu báo cháy lửa phải tương ứng với phổ phát xạ của ngọn lửa tạo bởi các vật liệu cháy nằm trong vùng bảo vệ.

4.1.5.4 Sử dụng đầu báo nhiệt ở những nơi khi xảy ra cháy ở giai đoạn ban đầu của đám cháy chủ yếu phát sinh nhiệt và khi sử dụng các đầu báo khác có thể xảy ra hiện tượng báo cháy giả.

4.1.5.5 Không sử dụng đầu báo cháy nhiệt gia tăng hoặc đầu báo cháy nhiệt kép (nhiệt gia tăng và nhiệt cố định) trong môi trường có biến động nhiệt độ đột ngột, bất thường vượt quá 5 °C/phút.
Không sử dụng đầu báo cháy nhiệt cố định trong môi trường mà nhiệt độ không khí trong đám cháy có thể không đạt đến nhiệt độ kích hoạt đầu báo cháy hoặc đạt tới ngưỡng tác động sau một thời gian dài (vượt quá thời gian phát hiện cháy theo quy định).

4.1.5.6 Khi chọn đầu báo cháy nhiệt, cần lưu ý rằng ngưỡng nhiệt độ kích hoạt của đầu báo cháy nhiệt cố định, đầu báo cháy nhiệt kép phải cao hơn ít nhất 20 °C so với nhiệt độ tối đa của môi trường tại vị trí lắp đặt đầu báo cháy.

4.1.5.7 Khi không xác định được hiện tượng đặc trưng của sự cháy trong khu vực bảo vệ, nên sử dụng kết hợp các đầu báo cháy nhạy cảm với các hiện tượng khác nhau của sự cháy hoặc đầu báo cháy hỗn hợp.
CHÚ THÍCH: Hiện tượng đặc trưng của sự cháy là hiện tượng được phát hiện ở giai đoạn ban đầu của đám cháy (khói, lửa, nhiệt…) trong thời gian ngắn nhất.

4.2. Thiết bị bổ sung

4.2.1 Thiết bị bổ sung (ví dụ, các thiết bị đầu cuối điều khiển từ xa hoặc các màn hình hiển thị) có thể được bao gồm trong thiết kế hệ thống báo cháy hoặc được kết nối với hệ thống báo cháy.

4.2.2 Các thiết bị bổ sung khi lắp đặt không làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống báo cháy.

4.2.3 Trường hợp các thiết bị bổ sung hư hỏng, không ảnh hưởng đến hoạt động vận hành của hệ thống báo cháy.

5. Thiết kế hệ thống báo cháy

5.1 Hệ thống báo cháy phải được thiết kế phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn này. Các tiêu chí thiết kế phải thỏa mãn các mục tiêu về an toàn cháy và bao gồm:

  • Các điều kiện về môi trường;
  • Loại nhà và công trình;
  • Phát hiện cháy nhanh chóng theo chức năng đã được đề ra;
  • Chuyển tín hiệu khi phát hiện cháy thành tín hiệu báo động rõ ràng để những người xung quanh có thể thực hiện ngay các biện pháp thích hợp;
  • Có khả năng chống nhiễu tốt;
  • Báo hiệu nhanh chóng và rõ ràng mọi trường hợp;
  • Không bị ảnh hưởng bởi các hệ thống khác được lắp đặt chung hoặc riêng rẽ;
  • Không bị tê liệt một phần hay toàn bộ do cháy gây ra trước khi phát hiện ra cháy.

5.2 Thiết kế có thể loại trừ các vùng không có vật liệu cháy.

5.3 Khi không có yêu cầu thiết kế phát hiện đám cháy cho toàn bộ nhà và công trình (trừ các vùng được nêu trong 5.2), các khu vực sau có thể được bao gồm trong phạm vi thiết kế:

  • Một hoặc nhiều khoang cháy;
  • Một phần của khoang cháy;
  • Đường thoát nạn (vùng phát hiện cháy trên đường thoát nạn có thể không phát hiện cháy từ nơi phát sinh đám cháy);
  • Thiết bị trong tòa nhà (đầu báo cháy được lắp đặt ở trong hoặc liền kề với thiết bị).

5.4 Khi không có yêu cầu tự động phát hiện đám cháy và các quy định khác cho phép, có thể lắp đặt một hệ thống các nút ấn báo cháy (xem 5.10).

5.5 Khi thiết kế hệ thống báo cháy bao gồm cả sử dụng các chức năng tùy chọn được quy định trong các tiêu chuẩn thiết bị có liên quan, thì việc sử dụng chức năng tùy chọn và lý do sử dụng phải được đưa vào trong tài liệu thiết kế.
CHÚ THÍCH: Các quy định khác có thể yêu cầu sử dụng một số chức năng tùy chọn hoặc có thể cấm sử dụng một số chức năng tùy chọn.

5.6 Khi thiết kế phải quan tâm đến tất cả giới hạn khác bao gồm:

a. Kích thước của các vùng phát hiện cháy và các vùng báo động cháy;
b. Số lượng lớn nhất của các đầu báo cháy được lắp đặt trong một vùng phát hiện cháy;
c. Các giới hạn của các thiết bị khởi động tự động và khởi động bằng tay trên mạng báo cháy;
d. Các yêu cầu về giao tiếp đối với hệ thống âm thanh dùng cho các mục đích khẩn cấp;
e. Các yêu cầu đặc biệt đối với các mạng báo cháy có cả đầu báo cháy và thiết bị báo động cháy;
f. Các yêu cầu đặc biệt đối với sự kết hợp của mạng thiết bị khởi động và thiết bị báo động cháy;
g. Các yêu cầu cho các hệ thống truyền tín hiệu báo cháy và tín hiệu cảnh báo lỗi;
h. Sử dụng vật liệu cho lắp đặt như cáp có vỏ bảo vệ, các ống dẫn…;
i. Lắp đặt thiết bị trong các môi trường dễ xảy ra nổ.

5.7. Vùng phát hiện cháy

5.7.1. Quy định chung

Nhà và công trình phải được phân chia thành các vùng phát hiện cháy sao cho có thể xác định được một cách nhanh chóng nguồn gốc của báo động cháy từ các chỉ báo tại tủ trung tâm báo cháy và trên các đầu báo cháy.

5.7.2. Các giới hạn của vùng phát hiện cháy

5.7.2.1 Một vùng phát hiện cháy trong nhà, công trình được giới hạn không lớn hơn 2000 m² diện tích sàn liên tục (xem Vùng 1 của Hình 1). Đối với khu vực sàn diện tích không liên tục, một vùng phát hiện cháy không quá 2000 m² (xem Vùng 2 của Hình 1) và phải đảm bảo điều kiện các lối vào của hai khu vực sàn liền kề có khoảng cách không lớn hơn 10 m và nhìn thấy nhau.

Kích thước lớn nhất của vùng phát hiện cháy không vượt quá 100 m và được giới hạn trong một tầng nhà. Các vùng không có lối vào từ bên trong nhà phải được bố trí thành các vùng phát hiện cháy độc lập với vùng phát hiện cháy có lối vào từ bên trong nhà.

Còn nữa

Lưu ý: Đây chỉ là thông tin tóm lược phục vụ mục đích tham khảo. Nguồn được dựa trên tài liệu thu thập trên Internet
Để tra cứu chi tiết đầy đủ nội dung và áp dụng chính xác trong thiết kế, thi công và nghiệm thu, vui lòng đăng ký mua bản quyền tiêu chuẩn TCVN tại các kênh chính thức của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hoặc Cục Cảnh sát PCCC & CNCH.

S-TEC VINA – đồng hành cùng bạn trong mọi công trình, đảm bảo hệ thống báo cháy và chữa cháy tuân thủ TCVN mới nhất, đạt nghiệm thu và an toàn vận hành lâu dài.

Địa chỉ: Lô CN03, khu CN Đồng Văn IV, Phường Lê Hồ, Tỉnh Ninh Bình

Hotline: 022.6246.0114 – 0386 119 114

VP đại diện: Tòa 5, D’capitale, 119 Đ. Trần Duy Hưng, Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: info@stecvina.com

Topics

  • Wind
  • Solar
  • Renewable energy
  • en_USEN