Kigali

Sửa đổi, bổ sung Kigali của Nghị định thư Motreal cắt giảm HFC và ảnh hưởng đến khí HFC sử dụng trong chữa cháy tại Việt Nam

July 30, 2022

Vấn đề bảo vệ môi trường nói chung, và bảo vệ tầng ozon, giảm mức sử dụng các loại khí gây hiệu ứng nhà kính đã được triển khai tích cực trong những năm gần đây. Hành động của các quốc gia trên toàn thế giới thông qua các nghị định, công ước, hiệp ước quốc tế đã mang lại những kết quả to lớn trong việc khôi phục tầng ozon.

Bài viết sau đây sẽ phân tích sự liên quan giữa việc hạn chế sử dụng các chất gây suy giảm tầng ozon theo các nghị định thư quốc tế và một số loại khí đang sử dụng trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy tại Việt Nam để cung cấp cách nhìn toàn diện hơn về vấn đề hạn chế sử dụng các hợp chất HFC trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy tại Việt Nam.

Nghị định thư Motreal

Nghị định thư Montreal về các chất gây phá huỷ tầng ô-dôn (ODS) được ký kết vào ngày 16 tháng 9 năm 1987 tại Montreal, Canada. Nghị định thư Montreal được đánh giá là thoả thuận thành công nhất về môi trường đến thời điểm hiện tại, góp phần cắt giảm 98% các chất gây phá huỷ tầng ô-dôn và đưa tầng ô-dôn trên tiến trình được khôi phục hoàn toàn vào giữa thế kỷ này.

Nghị định thư Montreal đặt ra các biện pháp, nghĩa vụ loại trừ các chất gây phá huỷ tầng ô-dôn theo lộ trình riêng cho các nước phát triển (còn gọi là các nước không thuộc Điều 5 Nghị định thư) và các nước đang phát triển (còn gọi là các nước thuộc Điều 5 Nghị định thư). 197 quốc gia đã phê chuẩn Nghị định thư Montreal và Nghị định thư Montreal đã nhận được sự phê chuẩn toàn cầu. Chính phủ Việt Nam đã đồng ý phê chuẩn việc tham gia Nghị định thư Montreal ngày 07/01/1994.

Nội dung gốc nghị định thư Montreal đề cập đến việc kiểm soát, hạn chế sử dụng tiến tới dừng sử dụng các chất gây suy giảm tầng ô-dôn (ODS) trong đó có các chất CFC, HCFC, Halon được sử dụng trong ứng dụng chữa cháy.

Nghị định thư Montreal đã làm giảm hơn 135 tỉ tấn CO2 phát thải tương đương thông qua việc hạn chế sản xuất và tiêu thụ các chất gây phá huỷ tầng ô-dôn trong thời gian từ 1990 – 2010. Theo các điều khoản của nghị định thư Montreal, các bên tham gia đã đạt được kết quả mang tính lịch sử với tỉ lệ đồng thuận gần 100%, nhiều mục tiêu đã đạt được trước lịch trình cắt giảm.

Sửa đổi bổ sung Kigali

Nghị định thư Montreal đã qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung. Gần đây nhất là Sửa đổi, bổ sung  Kigali được các Bên thông qua vào ngày 15 tháng 10 năm 2016. Bản sửa đổi, bổ sung Kigali bổ sung vào Nghị định thư Montreal lộ trình loại trừ sản xuất và tiêu thụ các chất HFC (hydrofluorocarbon). Danh sách các chất HFC bị kiểm soát đã được bổ sung trong phụ lục F thuộc theo Nghị định thư Montreal.

Các chất HFC là hợp chất nhân tạo, gây hiệu ứng nhà kính mạnh được sử dụng để thay thế cho các chất gây suy giảm tầng ô-dôn trong thiết bị làm lạnh và trong lĩnh vực PCCC.

Lộ trình cắt giảm các chất HFC theo sửa đổi, bổ sung Kigali

Sửa đổi, bổ sung Kigali có hiệu lực từ 01/01/2019, sẽ đóng góp đáng kể để đạt mục tiêu trong điều 2 của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 “để theo đuổi các nỗ lực nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1.5 độ C cao hơn thời kì tiền công nghiệp (1850-1900).

Tất cả các quốc gia đã cam kết thực hiện các mục tiêu ràng buộc về mặt pháp lý để bắt buộc giảm dần lượng tiêu thụ và sản xuất HFC, bắt đầu từ năm 2019 với các quốc gia phát triển, và năm 2024 cho các quốc gia đang phát triển.

Thoả thuận bao gồm lộ trình cắt giảm cho các nước phát triển (còn gọi là các nước không thuộc Điều 5 Nghị định thư) và các nước đang phát triển (còn gọi là các nước thuộc Điều 5 Nghị định thư)

Lộ trình cắt giảm HFC cho các nước phát triển

Các nước phát triển được chia thành hai nhóm

Nhóm 1: Đa số các nước phát triển

Nhóm 2: Belarus, Liên Bang Nga, Kazakhstan, Tajikistan, và Uzbekistan

Tổng hợp lộ trình cắt giảm HFC của nhóm các nước phát triển

Nhóm 1 – Các nước phát triển Nhóm 2 – Belarus, Liên Bang Nga, Kazakhstan, Tajikistan, và Uzbekistan
Năm cơ sở 2011, 2012 & 2013 2011, 2012 & 2013
Tính lượng hạn ngạch cơ sở Trung bình sản xuất / tiêu thụ HFC trong 3 năm 2011, 2012 và 2013, cộng thêm 15% lượng sản xuất / tiêu thụ HCFC cơ sở Trung bình sản xuất / tiêu thụ HFC trong 3 năm 2011, 2012 và 2013, cộng thêm 25% lượng sản xuất / tiêu thụ HCFC cơ sở
Các bước cắt giảm
Bước 1 2019 | 10% 2020 | 5%
Bước 2 2024 | 40% 2025 | 35%
Bước 3 2029 | 70% 2029 | 70%
Bước 4 2034 | 80% 2034 | 80%
Bước 5 2036 | 85% 2036 | 85%

Bảng 1: Tổng hợp lộ trình cắt giảm HFC của nhóm các nước phát triển

Biểu đồ lộ trình cắt giảm HFC của nhóm các nước phát triển.

Hình 1: Biểu đồ lộ trình cắt giảm của nhóm các nước đang phát triển

Lộ trình cắt giảm HFC cho các nước đang phát triển

Các nước đang phát triển được chia thành hai nhóm

Nhóm 1: Đa số các nước đang phát triển

Nhóm 2: Bahrain, India, Iran, Iraq, Kuwait, Oman, Pakistan, Qatar, Saudi Arabia, và UAE. Nhóm 2 có lộ trình cắt giảm chậm hơn 4 năm so với nhóm 1 (năm 2028 so với năm 2024)

Tổng hợp lộ trình cắt giảm HFC của nhóm các nước đang phát triển

  Nhóm 1 – Các nước đang phát triển Nhóm 2 – Các nước đang phát triển
Năm cơ sở 2020, 2021 & 2022 2024, 2025 & 2026
Tính lượng hạn ngạch cơ sở Trung bình sản xuất / tiêu thụ HFC trong 3 năm 2020, 2021 và 2022, cộng thêm 65% lượng sản xuất / tiêu thụ HCFC cơ sở Trung bình sản xuất / tiêu thụ HFC trong 3 năm 2024, 2025 và 2026, cộng thêm 65% lượng sản xuất / tiêu thụ HCFC cơ sở
Các bước cắt giảm
Giữ nguyên hạn ngạch cơ sở 2024 – 2028 2028 – 2031
Bước 1 2029 | 10% 2032 | 10%
Bước 2 2035 | 30% 2037 | 20%
Bước 3 2040 | 50% 2042 | 30%
Bước 4 2045 | 80% 2047 | 85%

Bảng 2: Tổng hợp lộ trình cắt giảm HFC của nhóm các nước đang phát triển

Biểu đồ lộ trình cắt giảm của nhóm các nước đang phát triển

Hình 2: Biểu đồ lộ trình cắt giảm của nhóm các nước đang phát triển

Thực hiện lộ trình cắt giảm HFC theo nghị định thư Montreal và sửa đổi bổ sung Kigali, Bộ Công Thương đã ban hành thông tư số 05/2020/TT-BCT ngày 16/03/2020, với nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều thông tư liên tịch số 47/2011/TTLT-BCT-BTNMT ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ công thương và Bộ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường quy định việc quản lý nhập khẩu, xuất khẩu và tạm nhập – tái xuất các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo quy định của nghị định thư montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Theo đó quy định thủ tục để kiểm soát hạn ngạch nhập khẩu các chất HFC đến năm 2028 theo lộ trình cắt giảm HFC của Nhóm 1 – Các nước đang phát triển.

Ảnh hưởng của các nghị định thư Montreal và Sửa đổi bổ sung Kigali này đến lĩnh vực PCCC tại Việt Nam như thế nào?

Các loại chất HFC đang sử dụng trong lĩnh vực PCCC tại Việt Nam

Các hợp chất HFC được sử dụng trong hệ thống chữa cháy tự động bằng khí được quy định theo TCVN 7161-1:2009, bao gồm các loại khí chữa cháy như sau: HFC-125, HFC-227ea, HFC-23. Trong đó được sử dụng phổ biến nhất tại Việt Nam là HFC-227ea (và sản phẩm có tên thương mại FM-200). Các loại khí chữa cháy HFC-125 và HFC-23 được sử dụng nhiều trong các dự án đầu tư nước ngoài từ Hàn Quốc như nhà máy Samsung, LG…

Trong đó, HFC-23 là loại khí có nguy cơ gậy hiệu ứng nhà kính nghiêm trọng, do thời gian tồn tại trong môi trường tự nhiên đến 270 năm và có hệ số gây ấm lên toàn cầu (GWP) đến 14,800. HFC-23 được chia vào nhóm II, phụ lục F của Sửa đổi, bổ sung Kigali, và phải được hạn chế nghiêm ngặt từ 01/01/2020.

Ảnh hưởng của các chất HFC sử dụng trong lĩnh vực PCCC đến môi trường

Để xem xét ảnh hưởng của các khí chữa cháy HFC đến môi trường, cần xét đến công thức sau:

Mức độ ảnh hưởng = Chỉ số GWP x Lượng phát thải ra môi trường.

Với đặc thù sử dụng của khí HFC trong hệ thống chữa cháy, khí được chứa trong bình và không phát thải ra môi trường trong quá trình sử dụng thông thường. Các chất khí này chỉ phát thải ra môi trường trong trường hợp xả khí chữa cháy hoặc xả khí do sự cố trong quá trình sử dụng.

Theo chương trình nghiên cứu HEEP – Chương trình theo dõi sự phát thải của HFC, PFS trong lĩnh vực phòng cháy. Kết quả của chương trình nghiên cứu cho thấy lượng HFC phát thải trong lĩnh vực phòng cháy trong 14 năm (từ 2001 – 2015) ở mức < 0.6MMT CO2 / năm, và gần như không thay đổi qua các năm.

Hình 3: Biểu đồ lượng phát thải khí chữa cháy tương đương MMT[1] CO2

Mặt khác lượng tiêu thụ chung trên toàn cầu của các chất HFC cho lĩnh vực phòng cháy chữa cháy chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong tổng lượng HFC tiêu thụ hàng năm. Theo báo cáo của Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc, ban thư kí Ô-dôn về thị trường HFC công bố tháng 10/2015, lượng HFC tiêu thụ trong lĩnh vực phòng cháy chiếm 2-3% tổng lượng tiêu thụ HFC toàn cầu.

Các phân tích trên cho thấy ảnh hưởng của các chất HFC sử dụng trong lĩnh vực PCCC đến môi trường là rất nhỏ.

Tác động của Sửa đổi, bổ sung Kigali đến khí HFC đang sử dụng trong chữa cháy tại Việt Nam

Loại khí HFC được sử dụng phổ biến nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy hiện tại là HFC-227ea (FM-200) theo các quy định ứng dụng trong TCVN 7161-1:2009, TCVN 7161-9:2009. Theo lộ trình cắt giảm của sửa đổi, bổ sung Kigali được cụ thể hoá tại thông tư số 05/2020/TT-BCT ngày 16/03/2020, chất chữa cháy  HFC-227ea (FM-200) là chất HFC thuộc Phụ Lục IIa – Danh mục các chất HFC nguyên chất việc nhập khẩu sẽ được kiểm soát qua giấy phép nhập khẩu áp dụng từ 01/01/2020.

Lượng nhập khẩu sẽ không có giới hạn nào trong thời gian từ 2020 đến 2022 để lấy thông tin xây dựng hạn ngạch cơ sở, trong thời gian từ 2024 – 2028 sẽ giữ lượng nhập khẩu là mức hạn ngạch cơ sở, sau năm 2028 thực hiện lộ trình cắt giảm theo nhóm các nước đang phát triển.

Tuy nhiên với tỉ trọng rất nhỏ của HFC sử dụng trong lĩnh vực PCCC với tổng lượng HFC tiêu thụ cho các lĩnh vực khác, việc áp hạn ngạch nhập khẩu HFC gần như ít ảnh hưởng đến việc nhập khẩu và sử dụng chất chữa cháy HFC-227ea (FM-200) tại Việt Nam.

Hình 4: Biểu đồ tương quan lượng HFC sử dụng trong lĩnh vực PCCC

Các chất chữa cháy khác như HFC-125, HFC-23 hiện chưa có tiêu chuẩn Việt Nam cho ứng dụng, nên lượng tiêu thụ nhỏ. Riêng với HFC-23 có chỉ số GWP đến 14,800, đã bị hạn chế nghiêm ngặt từ 01/01/2020 theo sửa đổi, bổ sung Kigali.

Kết luận

Với hiệu quả chữa cháy cao, mức chi phí hợp lý, tiêu chuẩn ứng dụng sẵn có và các đặc tính thuận tiện của khí chữa cháy hoá lỏng, HFC-227ea (FM-200) vẫn là chất chữa cháy được sử dụng phổ biến trong các năm tới đây tại Việt Nam.

Đồng thời các cơ quan chức năng cần có lộ trình xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn ứng dụng cho các chất chữa cháy mới không gây tác động đến môi trưởng như IG-55, IG-541, FK-5-1-12.

Nguồn:

http://www.ihrce.org.vn/Ngay-quoc-te-ve-bao-ve-tang-o-don-nam-2019-%E2%80%9C32-nam-noi-tiep-hanh-trinh-bao-ve-tang-o-don%E2%80%9D-133.html

http://www.dcc.gov.vn/tin-tuc/3465/24-nam-Viet-Nam-gia-nhap-va-thuc-hien-Nghi-dinh-thu-Montreal-ve-cac-chat-lam-suy-giam-tang-o-don.html

http://www.monre.gov.vn/Pages/nghi-dinh-thu-montreal-va-ban-sua-doi,-bo-sung-kigali.aspx

https://ozone.unep.org/sites/ozone/files/Meeting_Documents/HFCs/FS_2_Overview_of_HFC_Markets_Oct_2015.pdf

FM-200™Fire Suppressant Protecting Critical Needs Today and Tomorrow – Chemours LLC 2016.

HEEP – A Program for Tracking Fire Protection Emissions of HFCs and PFCs

EIA Briefing to the 22nd Conference of the Parties (CoP22) to the United Nations Framework Convention on Climate Change (UNFCCC) November 7-18, 2016, Marrakech, Morocco

Kigali Amendment to the Montreal Protocol on Substances that Deplete the  Ozone Layer-UN Introduction to the Kigali Amendment – OzonAction UN Environment (UNEP)

 

[1] MMT CO2: Triệu tấn CO2 tương đương.

Topics

  • Wind
  • Solar
  • Renewable energy
  • en_USEN